Cây vả họ sung nhưng quả to hơn và có vị bùi. Loại quả này góp mặt trong nhiều món ăn cung đình như: làm rau sống, ăn ghém, kho, muối chua ngọt..., nhưng ngon nhất là món vả trộn.
Vả không thể thiếu trong đĩa rau sống ăn kèm với các món Huế nổi tiếng như bánh khoái, men lụi, bún thịt nướng, bánh cuốn thịt nướng, bê thui, v.v... Miếng bê thui thì đâu cũng giống nhau, nhưng kẹp với lát vả rồi chấm mắm nêm cá cơm, mắm nêm cá nục ớt cay hít hà thì đã thành món ăn hương vị Huế rồi.
Quả vả non, rửa sạch, gọt vỏ, bổ đôi, lấy mũi dao cạo sạch ruột quả rồi thái mỏng theo hình ngang của quả. Thái vả phải thái vào chậu nước sạch có bỏ ít muối để giữ cho không bị thâm mà có mầu trắng vàng, khi sắp ăn mới vớt ra. Những lát vả trắng vàng như những miếng trăng non, bên cạnh miếng khế hình sao, miếng chuối chát trắng tròn, rồi ớt đỏ, rau húng xanh, tía tô đỏ... được xếp trên đĩa trông như một đĩa hoa rất hấp dẫn.
Vả không chỉ dùng làm sau sống ăn ghém, mà từ quả vả người Huế chế biến ra rất nhiều món ngon như: vả kho thịt lợn, vả kho thịt bò, vả kho cá rô, cá diếc, vả xào, vả trộn, vả muối, vả chua ngọt, v,v... Vả kho thịt là món dân dã hàng ngày của người Huế. Trong món ăn này thì vả là nguyên liệu chính, thịt là phụ. Khoảng ba bốn phần vả kho với một phần thịt. Vả để kho phải thái dày cắt thành miếng vuông hoặc tam giác cùng kích thước với miếng thịt rồi cho vào nước muối để giữ cho mầu vả trắng. Thịt lợn nạc, thịt lợn ba chỉ hay thịt bò thái quân cờ, ướp gia vị tiêu, hành (thịt bò thì tỏi, gừng), mì chính, nước mắm, muối, v.v... Thịt kho trước, khi sôi cho vả vào, trộn đều, kho tiếp. Gần chín thì cho tí bột nghệ vào để lấy mầu. Khi ăn miếng vả ngon hơn miếng thịt, có thể ăn mãi không ngán. Món vả muối, vả chua ngọt thường làm để nhấm rượu ngày Tết. Vả chua ngọt chế biến cũng giống như hành, củ cải, cà - rốt chua ngọt vậy.
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét