Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2016

Bánh cuốn nóng Hà Nội



Bánh cuốn có loại có nhân và loại không nhân. Nhân bánh thường được làm từ nhân tôm nõn bóc vỏ xay bông, thịt, nấm mèo xay nhỏ. Bánh cuốn thường được ăn kèm với rau xà lách xắt nhỏ, dưa chua ngọt và tuyệt nhất là món nước chấm. Trên đĩa bánh cuốn thường được rắc thêm hành phi chiên giòn nhìn rất bắt mắt. lớp vỏ bánh được tráng mỏng rất tinh tế, công phu.
Những thương hiệu bánh cuốn nổi tiếng là: bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Vân Đình, bánh cuốn Hạ Long, Hưng Yên,…

Cách làm bánh cuốn ngon là món ăn bình dân xuất hiện ở mọi vùng quê, mỗi cùng có những cách chế biến và hương vị khác nhau. Nhưng bánh cuốn ngon và nổi tiếng nhất vẫn là bánh cuốn Thanh Trì, một làng cổ của Hà Nội xưa. Lạ một điều là cũng là gạo, là nươc, là mộc nhĩ, hành mỡ nhưng không nơi nào có vị thơm ngon và đặc trưng như bánh cuốn Thanh Trì. Bánh cuốn luôn là “món ngon Hà Thành” trong những dòng văn đầy mơ mộng của các nhà văn lớn như Tô Hoài, Vũ Bằng, Thạch Lam.

Nguyên liệu cần có cho món ăn này
+ Bột gạo: 200g
+ Bột năng: 70g
+ 650ml nước
+ Muối và dầu ăn
+ Thịt nạc và mỡ xay nhỏ: 150g
+ Mộc nhĩ: 2-3 chiếc
+ Hành tây: 1 củ nhỏ + Hành phi + Giá đỗ + Rau thơm

Đông về nhớ khôn nguôi cách làm bánh cuốn Thanh Trì
Mùa đông đến với hàng trăm thứ quà nóng, nào bánh dẻo trôi tàu ngọt thơm nức mũi hít hà đến bát phở bò, bát bún riêu cua nghi ngút khói… quả là thiên đường lựa chọn cho những buổi sáng đầu đông ở Hà Nội. Có người nói mùa đông phải ăn bánh cuốn, thứ bánh dẻo thơm của gạo quyện với hương vị ngọt béo của thịt lợn và mộc nhĩ ngập ngụa trong bát nước mắm đủ vị nóng hổi, cắn một miếng bao nhiêu mỡ màng trong khoang miệng ấy thế mới là đúng điệu. Tiết trời đông cứ mỗi năm một lạnh, người người ra đường khăn áo kín bưng, miệng hít hà ra khói trắng nếu phải ra ngoài vào buổi sáng sớm tinh sương của ngày đông để ăn sáng thì quả là điều khó khăn. Thay vì ra ngoài bạn hãy thử trổ tài với cách làm bánh cuốn tại nhà thơm ngon hấp dẫn đúng chất bánh cuốn Thanh Trì nức tiếng Hà Thành để chiêu đãi gia đình mình ngay tại gian bếp nhà mình nhé.
Cách làm bánh cuốn nhân thịt
1. Cách làm vỏ bánh cuốn:
– Cách làm bột bánh cuốn truyền thống rất cầu kỳ trong việc ngâm bột để bánh được mềm nhìn bánh có độ bóng đẹp mắt. Bạn ngâm bột ít nhất trong 4 tiếng với nước mưa cho đến khi bột lắng cặn thì gạn chắt nước trong ở trên và cho lượng nước khác vào đúng bằng lượng nước đã chắt ra rồi khuấy lại bột sau đó ngâm rồi lại chắt và cho nước mới vào. Bạn xem ngấn bột trên thành chậu ngâm để cho nước vào cho đúng nhé. Cứ chắt nước ra rồi lại cho vào như thế khoảng 2 hoặc 3 lần. Lần cuối cùng là để tráng bánh thì bạn cho muối + dầu ăn vào.
2. Cách làm nhân bánh cuốn:
– Nạc và mỡ bạn đem xay nhỏ. Nấm mèo ngâm nở rồi xắt sợi nhỏ hoặc băm nhỏ tùy sở thích của bạn. Hành tây bạn thái mỏng rồi băm nhỏ. Cho chút nước vào chảo rồi đến khi nước sôi bạn cho thịt vào đảo liên tục và đều tay để thịt đừng đóng thành cục to. Khi thịt còn xăm xắp nước bạn cho nấm mèo và dầu ăn vào xào tiếp rồi nêm nếm vừa ăn. Thịt khi gần hết nước thì bạn cho hành tây vào đảo đều tay cho vừa chín tới là được. Bí kíp cách làm món bánh cuốn được thơm ngon hấp dẫn là ăn mềm và ngậy là nhờ nhân bánh. Nếu bạn chọn thịt nạc thì nhân thịt sẽ bị khô còn chọn toàn thịt mỡ thì khi ăn nhân sẽ bị nhạt và chóng ngán.
3. Cách tráng bánh cuốn:
– Bạn chuẩn bị xoong to và tấm vải xô to gấp đôi miệng xoong đó.
– Sau khi bạn đổ 2 lít nước vào xoong rồi thì phủ lớp vải xô lên trên sao cho vải kín hết miệng thì dùng dây thép bỏ xung quanh miệng xoong để giữ cho vải xô được căng.
– Đun sôi nước lên là bạn có thể tráng bánh được rồi đó. Với lần đầu tráng bánh thì bạn dùng chổi quét dầu lên lớp vải đó rồi múc một muôi bột đổ chính giữa tấm vải xô sau đó nhanh tay dùng muôi tán cho đều bột thành lớp mỏng rồi úp vung lên đợi khoảng 1 phút là bột chín. Bạn dùng chiếc đũa dài đặt ở mép bánh và dùng con dao mũi nhọn hất mép bánh bám vào đũa rồi cuộn 3 vòng để bánh bám vào rồi nhẹ nhàng nhấc bánh ra khỏi miếng vải nóng để lên thớt nhựa.
4. Cách cuốn bánh:
– Cách làm bánh cuốn Thanh Trì đặc biệt ở chỗ  lá bánh mỏng tang điểm thêm màu đen của mộc nhĩ băm nhỏ, bên ngoài lại có thêm hành mỡ thoa vào nhìn bóng mịn. Khéo khen cho người làm bánh, nhìn những lớp bánh mỏng manh như lụa mà họ vẫn luồn tay xếp gọn gàng thành từng lớp một ngay ngắn đến khó tin.
– Để bánh có thể để lộ được phần thịt thơm ngon bên trong ta tiến hành chia tưởng tượng chiếc bánh tròn làm 3 phần ngang rồi rải nhân ở phần 1/3 cuối cùng có chừa khoảng 2-3 cm ở mép bánh. Sau đó bạn gấp 2 cánh 2 bên vào rồi cuốn từ chỗ bánh không có nhân cuốn lên. Khi bánh vừa qua khỏi phần nhân là có mép 2-3 cm giữ lại.
– Bạn phi thơm hành khô hoặc hành tím (không rửa) cho đến khi hành nhìn có màu vàng là được.
5. Cách làm nước chấm ăn bánh cuốn:
– Tiến hành pha chế nước chấm: Với cách làm bánh cuốn tại nhà thì nước chấm góp phần không nhỏ để món bánh cuốn được hoàn thiện và hấp dẫn thực khách hơn.  Bạn nấu tan 300g nước lạnh+ 50g đường+ 50g nước mắm ngon. Nếu ăn cay bạn có thể cho thêm ớt băm vào nước mắm. Theo kình nghiệm của mình khi ăn chấm ngập bánh cuốn trong nước chấm mới cảm nhận hết vị thơm ngon của nước chấm hòa quyện vào trong bánh nên khi pha nước chấm bạn chỉ pha nhạt thôi.
– Nếu nhà bạn không có nồi hơi để thực hành cách làm bánh cuốn bằng nồi hơi như ở ngoài tiệm bạn hay ăn thì cũng đừng lo lắng nhé, với cách làm bánh cuốn bằng chảo chống dính tiện dụng với chiếc chảo có sẵn trong gian bếp nhà bạn thì món bánh cuốn của bạn cũng không kém phần hấp dẫn đi đâu đấy.
Nhà văn Vũ Bằng đã từng viết thế này: “ Ta chấm một chiếc bánh trắng vào trong chén nước chấm màu hổ phách và đưa lên miệng và chưa nhai mà tưởng như bánh chưa đến môi đã trôi đến cổ mất rồi ”. Một đĩa bánh cuốn nóng hổi nghi ngút khói kết hợp cùng với chén nước chấm đủ vị có lẽ là mòn quà sáng vừa dân dã nhưng hấp dẫn vô cùng chứa đựng cả tình yêu thương dành cho gia đình bạn trước khi bắt đầu một ngày mới với bao tất bật lo toan. Chúc bạn thành công với cách làm món bánh cuốn đặc trưng cảu làng cổ Thăng Long- Hà Nội này nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét